SUY NIỆM: NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH

(Ga 10, 27-30)

Hôm nay, Chúa nhật 4 Phục Sinh cũng được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Giáo Hội dùng hình ảnh người mục tử nhân lành để sánh ví với Đức Giêsu như là một người luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên, bảo vệ, yêu thương và dẫn đưa chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Chính trong Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Gioan đã tường thuật lại lời khẳng định của Đức Giêsu: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Đó chính là bảo chứng của tình yêu không điều kiện, tình yêu tận hiến của Đức Giêsu dành cho chúng ta.

Ngày hôm nay cũng là ngày Hiền Mẫu – một dịp để chúng ta nhận ra rằng những người mẹ chính là hình ảnh gần gũi nhất của vị Mục Tử trong đời sống thường nhật. Các bà mẹ – với trái tim yêu thương, sự nhẫn nại và lòng hy sinh thầm lặng – không ngừng dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng đau với nỗi đau của con, vui với niềm vui của con, và luôn cầu nguyện cho con như Thánh Mônica cầu nguyện cho Thánh Augustinô.

Vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi học nơi Chúa Giêsu tinh thần của người mục tử: biết lắng nghe, dẫn dắt, tha thứ và bảo vệ. Đồng thời, chúng ta được nhắc nhớ biết ơn và cầu nguyện cho những người mẹ – những mục tử âm thầm trong gia đình – để họ luôn vững mạnh trong vai trò của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống như những mục tử giữa đời: quảng đại, yêu thương, và hy sinh. Và xin chúc lành cho những người mẹ – những người phản chiếu tình yêu Mục Tử của Chúa cách trọn vẹn nhất nơi gia đình chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Suy niệm: THEO CHÚA MỖI NGÀY

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng tin mừng, Chúa đã tuyển chọn các môn đệ tiên khởi khi các ông đang chài lưới bắt cá trên biển hồ, sau một đêm vất vả không được gì. Nhờ nghe lời Chúa, các ông đã bắt được mẻ cá kỳ lạ. Sau đó Chúa mời gọi “Hãy theo thầy”, và các ông đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Nhưng việc theo Chúa lần đầu của các ông xem ra thất bại. Trong cuộc thương khó, các ông đã vì sợ hãi mà ruồng bỏ Chúa. Những môn đệ bất tín và thất bại. Lạ lùng thay, sau khi sống lại, Chúa đã không ’sa thải’ loại người yếu kém bội tín như các ông, nhưng Chúa lại hiện ra, cũng cố đức tin của các ông, và lại một lần nữa mời gọi các ông “Hãy theo thầy” trong một bối cảnh y như lần đầu Chúa đã kêu gọi các ông theo Ngài bên biển hồ lúc các ông đang đánh cá. Xem ra tái diễn một lần nữa cảnh xưa của ơn gọi theo Chúa. Chỉ khác là trong bối cảnh Chúa đã phục sinh. Cuộc theo Chúa lần này, các môn đệ cảm nghiệm được hiệu quả Phục Sinh, nghĩa là họ cảm thấy mình đã được Chúa Phục Sinh tha thứ, được phục hồi, và vì thế các ông đã thực sự được giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, và đã trở nên mạnh mẽ, không còn sợ hãi. Chúa đã tin tưởng giao phó các ông sứ vụ tiếp tục công việc loan báo tín mừng của Chúa. Các ông đã trở nên những wounded healers. Nghĩa là những thầy thuốc cứu chữa được người khác, vì mình đã trải nghiệm. những vết thương nơi chính mình. Họ biết thế nào là yếu đuối là phản bội là mặc cảm, nhưng đã được Chúa cứu chữa và tin tưởng sai đi. Phê-rô đã khó chịu hay mặc cảm khi Chúa hỏi ông đến ba lần “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có thương mến thầy không?” Phê-rô có lẽ thấy nhột vì ba lần chối Chúa, nhưng thật ra Chúa không tra hỏi quá khứ của Phê-rô, Chúa đang cũng cố đức tin của Phê-rô trước khi giao trọng trách chăm sóc đoàn chiên của Chúa, và để rồi Phê-rô cũng sẽ cũng cố đức tin của anh em mình. Chúng ta những môn đệ theo Chúa như các môn đệ ngày xưa. Không có môn đệ hoàn hảo, nhưng chỉ có những môn đệ biết nổ lực cố gắng theo Chúa mỗi ngày, dù thất bại, dù nhiều khi thấy mình yếu đuối. Chúa không cần những môn đệ hoàn hảo, Chúa chỉ cần các môn đệ biết cố gắng đáp lại lời Chúa kêu gọi mỗi ngày “Hãy theo thầy!” và đặt sức mạnh vào quyền năng của Chúa, “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”

“Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đâu, dù khi thất bại dù khi mỏi mòn, dù khi chán chường. Xin giữ con luôn luôn phụng sự Ngài.” (Xin giữ con).

Lm. John Quang,svd.

Dâng Hoa kính Đức Mẹ – Ngày Thánh Mẫu 04/05/2025







Suy niệm: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NƠI CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Ga 20, 19-31

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội tạ ơn và mừng kính Lòng Thương xót Chúa. Một Thiên Chúa không trách móc, không luận phạt, nhưng đến để chữa lành, tha thứ và trao ban bình an. Thế nhưng, cũng trong những ngày này, chúng ta đang đau buồn về sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vậy đâu là khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa nơi cái chết của Đức Thánh cha.

Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sống và rao giảng lòng thương xót không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả cuộc đời. Với một trái tim mục tử, ngài không ngừng lặp lại rằng: Thiên Chúa không mỏi mệt trong việc tha thứ, chỉ có con người mới mỏi mệt trong việc xin ơn tha thứ. Ngài đưa lòng thương xót vào trung tâm đời sống Hội Thánh, mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, kêu gọi một Giáo Hội “như bệnh viện dã chiến”, nơi mọi tâm hồn tội lỗi đều được chăm sóc và phục hồi.

Sự ra đi của ngài trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh như là một hồng ân mà Thiên Chúa dành riêng cho Ngài để khép lại cuộc đời mục tử nhân hậu bằng chính ánh sáng của lòng thương xót phục sinh. Đức Phanxicô không cần hiện ra như Chúa Giêsu để cho ai “xỏ tay vào lỗ đinh”, nhưng chính những vết thương của thế giới mà ngài cúi xuống chữa lành là bằng chứng hùng hồn nhất cho đức tin của ngài. Như thánh Tôma, thế giới hôm nay đang cần nhìn thấy lòng thương xót mới có thể tin. Và Đức Phanxicô chính là nhân chứng cho lòng thương xót ấy.

Ước mong sao, cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở nên như một lời mời gọi chúng con bước ra khỏi sợ hãi, khép kín, để dấn thân sống lòng thương xót giữa thế giới đầy thương tích hôm nay. Xin cho chúng con tin vào tình yêu dù không thấy, để chính đời sống chúng con cũng trở thành dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thông báo của Cha Tuyên Úy trước Tuần Thánh

Thông báo ngày thứ Bảy 12.04.2025