Archive: April 2025
Suy niệm: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NƠI CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Ga 20, 19-31
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội tạ ơn và mừng kính Lòng Thương xót Chúa. Một Thiên Chúa không trách móc, không luận phạt, nhưng đến để chữa lành, tha thứ và trao ban bình an. Thế nhưng, cũng trong những ngày này, chúng ta đang đau buồn về sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vậy đâu là khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa nơi cái chết của Đức Thánh cha.

Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sống và rao giảng lòng thương xót không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả cuộc đời. Với một trái tim mục tử, ngài không ngừng lặp lại rằng: Thiên Chúa không mỏi mệt trong việc tha thứ, chỉ có con người mới mỏi mệt trong việc xin ơn tha thứ. Ngài đưa lòng thương xót vào trung tâm đời sống Hội Thánh, mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, kêu gọi một Giáo Hội “như bệnh viện dã chiến”, nơi mọi tâm hồn tội lỗi đều được chăm sóc và phục hồi.
Sự ra đi của ngài trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh như là một hồng ân mà Thiên Chúa dành riêng cho Ngài để khép lại cuộc đời mục tử nhân hậu bằng chính ánh sáng của lòng thương xót phục sinh. Đức Phanxicô không cần hiện ra như Chúa Giêsu để cho ai “xỏ tay vào lỗ đinh”, nhưng chính những vết thương của thế giới mà ngài cúi xuống chữa lành là bằng chứng hùng hồn nhất cho đức tin của ngài. Như thánh Tôma, thế giới hôm nay đang cần nhìn thấy lòng thương xót mới có thể tin. Và Đức Phanxicô chính là nhân chứng cho lòng thương xót ấy.
Ước mong sao, cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở nên như một lời mời gọi chúng con bước ra khỏi sợ hãi, khép kín, để dấn thân sống lòng thương xót giữa thế giới đầy thương tích hôm nay. Xin cho chúng con tin vào tình yêu dù không thấy, để chính đời sống chúng con cũng trở thành dấu chỉ của lòng thương xót Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD
Bản tin Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm C (27/04/2025)
Thông báo của Cha Tuyên Úy trước Tuần Thánh
Suy niệm: SỐNG LẠI LÀ GÌ?

Chúa đã Phục Sinh! Alleluia! Vậy, Phục Sinh theo kinh thánh là gì, và đối với người Ki-tô hữu, Phục Sinh có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Tất cả bốn phúc âm khi nói về biến cố Phục Sinh, đều tường thuật “ngôi mộ trống.” Điều này có nghĩa là đức Giêsu bị đóng đinh, chết, chôn, giờ đây không còn trong mồ. Nghĩa là thân xác vốn đã chết của Ngài không còn ở đó.
Điều này nói lên thân xác của Chúa đã phục sinh, không còn ở trong cõi chết. Thân xác sống lại từ cõi chết là một tín điều người Ki-tô hữu phải tin. Việc thân xác Chúa sống lại tiên báo chúng ta “thân xác loài người ngày sau sống lại”. Đây là niềm hy vọng đặt nền móng trên đức tin rằng, đời sống con người và ngay cả thân xác chúng ta ngày nay, tuy là cát bụi trở về cát bụi, nhưng cuộc đời này, thân xác này có một ý nghĩa và mục đích nhất định. Đó là sống lại với Chúa và ở cùng Chúa.
Ngôi mộ trống, có chứng minh được là Chúa Giêsu thật sự sống lại? Hay là cái xác chết của Ngài đã bị ai đó đánh cắp rồi la lên Chúa sống lại như tường thuật trong phúc âm thánh Matthew? Hay như những ngôi mộ bị trộm đào lên lấy xác? Điều này không chứng minh đó là phục sinh. Thánh Phao-lô tường thật sau Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với ông Kê-pha, nhóm mười hai, năm trăm anh em, ‘nhiều người trong họ vẫn còn sống’, với Gia-cô-bê, và sau cùng là với Phao-lô. (1 Cor 15:6). Lời chứng của hàng trăm con người về cùng một sự kiện thì phải là khả tín.
Sau cùng và cũng không kém quan trọng là hiệu quả của Phục Sinh. Việc Chúa phục sinh đã biến đổi các môn đệ của Chúa một cách triệt để. Họ cảm nghiệm được sự tha thứ mà trước đó họ đã phản bội Chúa. Rồi từ đó họ sống tốt đẹp hơn, can đảm hơn, ra đi rao giảng làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Và sau cùng lấy cái chết của mình mà làm chứng cho Chúa. Không ai dại dột hy sinh mạng sống mình làm chứng cho điều mình không chắc.
“Nếu đức Ki-tô không sống lại, đức tin của chúng ta thật là vô nghĩa, và chúng ta vẫn sống trong tội lỗi.” Chúng ta có cả một mùa Phục Sinh để suy gẫm mầu nhiệm sống lại. Xin cho ta cũng được sống lại thật phần hồn, và cả phần xác (biến đổi) ở đời này. Alleluia!
Lm. John Quang Phan, svd.
Bản tin Chúa Nhật Phục Sinh – Năm C (20/04/2025)
Tuần Cửu Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót 2025

Suy niệm: GIỜ CỦA CHÚA NƠI TÌNH YÊU THẬP GIÁ
Lễ Lá mở đầu cho Tuần Thánh – tuần lễ cao điểm trong hành trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong ngày này, chúng ta cùng tưởng niệm việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem trong tiếng hô vang “Hoan hô con Vua Đavít”, nhưng chỉ ít phút sau, cũng chính đám đông ấy lại gào thét “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Điều này cho thấy sự bấp bênh và dễ thay đổi của lòng người. Thế nhưng, trái ngược với sự bất trung của con người là một tình yêu trung tín và vĩnh cửu nơi Chúa Giêsu – tình yêu được bày tỏ trọn vẹn trên thập giá.
Bài Thương Khó hôm nay chính là bản tình ca vĩ đại nhất của tình yêu cứu độ. Nơi tình yêu này, Đức Giêsu đã sẵn sàng vâng phục Thánh Ý Chúa Cha. Dù phải chịu khổ hình, bị phản bội, bị sỉ nhục, bị đóng đinh, Đức Giêsu vẫn sẵn sàng đón nhận. Thế nhưng, chính nơi đó, tình yêu chiến thắng hận thù, tha thứ vượt thắng sự phản bội, và sự sống phát sinh từ sự chết.
Thập giá, trong cái nhìn của thế gian, là thất bại và ô nhục. Nhưng đối với chúng ta – những người tin – đó lại là vinh quang, là nơi bày tỏ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Qua cái chết của Chúa Giêsu, mọi tội lỗi đã được gánh lấy, mọi đau khổ được chia sẻ, và con đường trở về với Chúa Cha được mở ra.
Lễ Lá mời gọi chúng ta bước vào Giờ cứu độ ấy với lòng khiêm nhường và biết ơn sâu xa. Chúng ta không chỉ cầm nhành lá mà tung hô ngoài môi miệng, nhưng còn phải bước theo Chúa trong con đường thập giá đời mình – bằng sự tha thứ, hy sinh, yêu thương những người khó yêu, và trung tín trong thử thách. Chính trong những giây phút đau thương, thất vọng hay bất công, chúng ta được mời gọi kết hiệp với Thánh Giá Chúa để tình yêu Người tuôn trào và biến đổi.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta bước vào Tuần thánh với một niềm tin và hy vọng về một tình yêu trọn vẹn của Đức Giêsu. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD